Hướng dẫn thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội

Đăng vào 05/05/2017 00:00

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1123 /QĐ-ĐHLHN
ngày 03 tháng 4  năm 2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội)

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này hướng dẫn thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường) bao gồm: tổ chức đón tiếp khách nước ngoài đến làm việc tại Trường; tổ chức các đoàn công tác nước ngoài cho cán bộ, giảng viên của Trường; tổ chức ký kết và thực hiện các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, nói chuyện chuyên đề của chuyên gia nước ngoài và các hoạt động hợp tác quốc tế khác.

2. Đối tượng áp dụng của văn bản này bao gồm: các đơn vị thuộc Trường; công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học tập tại Trường và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Đầu mối điều phối, tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội

Phòng Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế của Trường, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về việc điều phối và tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế của Trường.

Phòng Hợp tác quốc tế có các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu cho Hiệu trưởng về việc xây dựng và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế của Trường;

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục xuất cảnh cho công chức, viên chức, người lao động của Trường đi công tác nước ngoài; cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường đi học tập, nghiên cứu, trao đổi theo các chương trình của Trường; thực hiện thủ tục nhập cảnh cho khách quốc tế đến làm việc tại Trường;

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình và dự án hợp tác quốc tế; soạn thảo các văn bản về hợp tác quốc tế của Trường;

4. Tổ chức triển khai, theo dõi và báo cáo Hiệu trưởng việc thực hiện kế hoạch, chương trình và dự án hợp tác quốc tế của Trường;

5. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức chuẩn bị các điều kiện đón tiếp, làm việc và thực hiện các yêu cầu về an ninh, an toàn khi đón, tiếp khách quốc tế và tổ chức các hoạt động có sự tham gia của khách quốc tế;

6.  Phối hợp với các đơn vị, tổ chức giải quyết các vấn đề có liên quan đến sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh nước ngoài đang học tại Trường, các chuyên gia, giảng viên nước ngoài đang làm việc tại Trường theo đúng quy định của pháp luật;

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.

Điều 3. Quy định về tiếp đón khách nước ngoài đến Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Phòng hợp tác quốc tế là đầu mối tiếp nhận các thông tin về khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại Trường. Khi nhận được đề xuất đến thăm, làm việc với Trường của khách nước ngoài, các đơn vị và cá nhân trong Trường có trách nhiệm thông tin lại cho Phòng Hợp tác quốc tế để Phòng báo cáo với Hiệu trưởng và thực hiện các thủ tục cần thiết khác theo quy định trước khi đón tiếp và làm việc.

2. Việc tiếp và làm việc với khách nước ngoài tại Trường phải có sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trừ những trường hợp được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 24 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.  Phòng Hợp tác quốc tế là đầu mối để thực hiện các thủ tục báo cáo hoặc xin phép Lãnh đạo Bộ Tư pháp việc tiếp đón và làm việc với khách nước ngoài tại Trường theo đúng quy định.

3. Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khác trong Trường chịu trách nhiệm thực hiện các công việc chuẩn bị cho buổi tiếp và làm việc với khách nước ngoài tại Trường, bao gồm việc xác định thành phần tham gia, nội dung buổi tiếp và làm việc, các tài liệu cần thiết có liên quan, các vấn đề về lễ tân, ngoại giao và những nội dung có liên quan khác.

4. Buổi tiếp và làm việc với khách nước ngoài tại Trường do đại diện Lãnh đạo Trường chủ trì, trừ trường hợp Lãnh đạo Trường ủy quyền cho cấp dưới chủ trì.  Phòng Hợp tác quốc tế là đầu mối điều phối, tổ chức thực hiện các công việc cụ thể có liên quan đến buổi tiếp và làm việc.  Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề xuất của Phòng Hợp tác quốc tế và phê duyệt của Hiệu trưởng, các đơn vị, cá nhân khác trong Trường có trách nhiệm phối hợp với Phòng Hợp tác quốc tế thực hiện công việc này.

5. Trường hợp các đơn vị, cá nhân trong Trường được Hiệu trưởng đồng ý cho tiếp và làm việc với khách nước ngoài tại Trường, sau khi kết thúc buổi tiếp, thủ trưởng các đơn vị chủ trì đón tiếp phải báo cáo với Hiệu trưởng bằng văn bản kết quả làm việc, đồng thời sao gửi cho Phòng Hợp tác Quốc tế.

Điều 4. Quy định về tổ chức các đoàn công tác nước ngoài của Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Việc tổ chức các đoàn công tác nước ngoài thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo nhu cầu được Bộ Tư pháp phê duyệt.

2. Hàng năm, Trường xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn công tác nước ngoài để tổng hợp trong kế hoạch đối ngoại của Bộ Tư pháp. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động được phê duyệt hoặc nhu cầu công việc đột xuất, Phòng Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm giúp Hiệu trưởng xây dựng đề án các đoàn công tác nước ngoài của Trường để trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt.

3. Trên cơ sở đề án các đoàn đi công tác nước ngoài của Trường đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan trong Trường xây dựng kế hoạch chi tiết các đoàn đi công tác nước ngoài trình Hiệu trưởng. Trên cơ sở kế hoạch chi tiết này, Phòng Tổ chức cán bộ làm đầu mối thực hiện các thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định cử đoàn đi công tác nước ngoài của Trường. Căn cứ quyết định cử đoàn đi công tác nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật và quy chế đối ngoại của Bộ Tư pháp.

4. Đối với các đoàn đi công tác nước ngoài không thuộc các đề án do Trường xây dựng, Phòng Hợp tác quốc tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan trong Trường thực hiện các công việc chuẩn bị hoặc hỗ trợ tổ chức đoàn đi khi được yêu cầu.

5. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ khi hoàn thành chuyến công tác nước ngoài, trưởng đoàn có trách nhiệm báo cáo Hiệu trưởng hoặc Bộ trưởng bằng văn bản về kết quả chuyến công tác.

6. Phòng Hợp tác quốc tế có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho các đơn vị, cá nhân trong Trường, bảo đảm việc tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài được tiến hành thuận lợi, đúng quy định của pháp luật; đôn đốc, nhắc nhở các đoàn đi công tác nước ngoài kịp thời báo cáo kết quả chuyến đi và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi.  

7. Đối với các cá nhân là công chức, viên chức, người lao động của Trường đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, dự hội thảo, hội nghị, tọa đàm hoặc các hoạt động chuyên môn khác không sử dụng kinh phí của Trường, thủ tục xin phép thực hiện thông qua Phòng Tổ chức cán bộ trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét ra quyết định cử đi công tác. Phòng tổ chức cán bộ có trách nhiệm gửi cho Phòng Hợp tác quốc tế bản sao quyết định để phối hợp quản lý và hỗ trợ.

Điều 5. Quy định về quản lý sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nước ngoài học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Việc quản lý đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học tập tại Trường được thực hiện theo quy định của Quy chế Quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 2 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phòng Hợp tác quốc tế có trách nhiệm phối hợp với Phòng Công tác sinh viên, Phòng Đào tạo, Khoa Đào tạo sau đại học, Phòng Tài chính kế toán, Phòng Quản trị và các đơn vị có liên quan khác của Trường thực hiện các quy định hiện hành về quản lý người nước ngoài học tập tại Trường.

Điều 6. Quy định về quản lý chuyên gia, giảng viên nước ngoài làm việc tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo các chương trình, dự án, hợp đồng về giảng dạy, nghiên cứu khoa học

1. Chuyên gia, giảng viên nước ngoài làm việc theo các chương trình, dự án, hợp đồng về đào tạo, nghiên cứu tại Trường có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, nội quy, quy chế của Trường, thực hiện đúng chương trình, dự án, hợp đồng và tôn trọng phong tục tập quán Việt Nam.

2. Phòng Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối có trách nhiệm báo cáo với Hiệu trưởng các vấn đề có liên quan đến hoạt động của chuyên gia, giảng viên nước ngoài làm việc theo các chương trình, dự án, hợp đồng về đào tạo, nghiên cứu tại Trường.

3. Trong thời gian làm việc ở Trường, nếu có bất cứ vướng mắc nào phát sinh, chuyên gia, giảng viên nước ngoài làm việc theo các chương trình, dự án, hợp đồng về đào tạo, nghiên cứu có trách nhiệm báo cáo kịp thời với Phòng Hợp tác quốc tế để đề xuất với Trường các biện pháp giải quyết phù hợp.

Điều 7. Quy định về quản lý việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, nói chuyện chuyên đề của chuyên gia nước ngoài tại Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động hàng năm, Phòng Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm đề xuất kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế gửi Phòng Quản lý khoa học và Trị sự tạp chí để tổng hợp, trình Hiệu trưởng phê duyệt chung trong Kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm theo quy định. Các buổi nói chuyện chuyên đề của chuyên gia nước ngoài tại Trường được tổ chức trên cơ sở đề xuất của Phòng Hợp tác quốc tế hoặc của các cá nhân, đơn vị khác thông qua đầu mối tiếp nhận là Phòng Hợp tác quốc tế và được Hiệu trưởng phê duyệt .

2.  Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế nằm ngoài Kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm của Trường do Phòng Hợp tác quốc tế hoặc các đơn vị, cá nhân khác đề xuất phải được Hiệu trưởng phê duyệt. Phòng Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối tiếp nhận và trình Hiệu trưởng phê duyệt các nội dung hoạt động này.

3. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, nói chuyện chuyên đề của chuyên gia nước ngoài phải thực hiện thủ tục báo cáo hoặc xin phép các cấp có thẩm quyền và tuân thủ các quy định có liên quan theo Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp. Phòng Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối, chủ trì thực hiện các thủ tục xin phép và các công việc có liên quan khác theo quy định; các đơn vị  thuộc Trường chịu trách nhiệm phối hợp với Phòng Hợp tác quốc tế thực hiện những công việc này khi được Lãnh đạo Trường yêu cầu.

4. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế do Ban tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng thực hiện.

Điều 8. Quy định về quản lý việc tổ chức ký kết và thực hiện các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác

1. Trên cơ sở kế hoạch, chương trình hoặc nhu cầu công tác thực tiễn, Phòng Hợp tác quốc tế chủ động hoặc trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Trường đề xuất với Hiệu trưởng ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế của Trường.

2.  Trên cơ sở phê duyệt của Hiệu trưởng, Phòng Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm  xây dựng dự thảo các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, trao đổi, thảo luận với đối tác nước ngoài về nội dung dự thảo và báo cáo Hiệu trưởng việc thực hiện các công việc này.

3. Dự thảo thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài của Trường phải có ý kiến góp ý các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp bao gồm Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ. Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì thực hiện các thủ tục lấy ý kiến của các đơn vị nêu trên, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến và giải trình trong trường hợp cần thiết nhằm hoàn thiện dự thảo. Việc ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác của Trường với các đối tác nước ngoài phải có sự phê duyệt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trên cơ sở xem xét nội dung dự thảo và việc tiếp thu các ý kiến góp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp.

4. Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền là người thay mặt Trường ký các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài. Việc ký thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác có thể được thực hiện tại lễ ký kết được tổ chức ở trong nước hoặc nước ngoài hoặc thông qua hình thức trao đổi thư qua đường bưu điện. Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Trường tổ chức thực hiện hoạt động ký kết này theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

5. Hàng năm, căn cứ vào nội dung các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài đã được ký kết, Phòng Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Trường xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài. Kế hoạch này phải được Hiệu trưởng phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, Phòng Hợp tác quốc tế trực tiếp điều phối, triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác cụ thể với các đối tác nước ngoài. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Phòng Hợp tác quốc tế chủ động báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Trường. Kết thúc năm công tác, Phòng Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm báo cáo trước Hiệu trưởng kết quả triển khai thực hiện các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác và đề xuất các kiến nghị liên quan nhằm bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết.

Điều 9. Trách nhiệm phối hợp thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của các đơn vị thuộc Trường

Các đơn vị thuộc Trường có trách nhiệm phối hợp với Phòng Hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trên cơ sở Phiếu trình giải quyết công việc của Phòng Hợp tác quốc tế đã được Hiệu trưởng phê duyệt.

Các đơn vị thuộc Trường chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về việc thực hiện công việc được giao phối hợp của đơn vị mình.

Điều 10. Điều khoản thi hành

Hướng dẫn thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề mới phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc nảy sinh, các đơn vị, cá nhân trong Trường góp ý bằng văn bản gửi về Phòng Hợp tác quốc tế để tổng hợp, báo cáo trình Hiệu trưởng xem xét sửa đổi, bổ sung.

                                                                                 HIỆU TRƯỞNG

                                                                                         (đã ký)

 

 

                                                                                    Lê Tiến Châu