Quy chế Quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp
Quy chế Quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp
Ngày 12/7/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1486/QĐ-BTP ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp thay thế Quyết định số 406/QĐ-BTP ngày 29/3/2011.
Quy chế gồm 8 Chương, 47 Điều, quy định nội dung, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quản lý và thực hiện hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp. Quy chế bao gồm các quy định chung liên quan tới phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nội dung hoạt động đối ngoại, nguyên tắc quản lý và thực hiện hoạt động đối ngoại, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong hoạt động đối ngoại; đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm; tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào, tiếp khách quốc tế; quản lý chương trình, dự án, phi dự án hợp tác quốc tế về pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; các hoạt động đối ngoại khác như lễ tân trong công tác đối ngoại, quà tặng, tiếp nhận và xét khen thưởng có yếu tố nước ngoài, thông tin đối ngoại, phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, quản lý công hàm, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, xác nhận chuyên gia dài hạn nước ngoài.
Quy chế đối ngoại mới được sửa đổi nhằm đảm bảo sự phù hợp với các văn bản mới của Đảng về công tác đối ngoại và quản lý hợp tác quốc tế cụ thể là Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Quyết định số 272-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại và Hướng dẫn 01-HD/BĐNTW hướng dẫn thực hiện Quyết định số 272-QĐ/TW, đồng thời hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động đối ngoại, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu về quản lý các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp trong tình hình mới.
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp