Giá trị cốt lõi, Triết lý đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội
1. Giá trị cốt lõi: Con người – Chất lượng – Thương hiệu – Hội nhập
- Con người: Viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo và người học qua các thế, qua các thời kỳ là tài sản quý giá nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhà trường luôn quan tâm, chăm lo phát triển giá trị con người, luôn tạo cơ hội cho mỗi cá nhân phát triển, khẳng định được vị thế cá mình và lan toả trong cộng động, xã hội.
- Chất lượng: Khẩu hiệu hành động của Trường Đại học Luật Hà Nội là Chất lượng cao tạo nên giá trị bền vững.Trường Đại học Luật Hà Nội luôn đề cao và lấy chất lượng đào tạo làm giá trị trung tâm, bền vững bằng cách kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, chất lượng quản lý đào tạo, chất lượng đầu ra cũng như đầu tư tốt nhất cho các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Thương hiệu: Trường Đại học Luật Hà Nội là cái nôi khởi thuỷ đào tạo cán bộ pháp luật trình độ đại học ở Việt Nam. Nhà trường có bề dầy truyền thống, thành tích trong công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nghiên cứu, chuyển giao khoa học pháp lý và truyền bá pháp lý. Chính chất lượng đào tạo đã tạo nên giá trị thương hiệu đào tạo luật của nhà trường - Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật của đất nước. Nhà trường sẽ không ngừng đầu tư, chăm lo và phát triển thương hiệu của mình, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.
- Hội nhập: Trường Đại học Luật Hà Nội có tầm nhìn trở thành trường đại học có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nhà trường luôn sẵn sàng xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học pháp lý và truyền bá pháp lý
2. Triết lý đào tạo: Tạo nên những con người ham học hỏi, biết làm việc, sẵn sàng bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân và phụng sự tổ quốc
- Tạo nên những con người ham học hỏi: Trụ cột đầu tiên của triết lý đào tạo là hướng vào việc rèn cho người học đức tính chăm chỉ, chịu khó, cần cù, không ngại khó, không ngại khổ, tạo niềm đam mê, ham học hỏi thông qua: tự học, tự nghiên cứu từ giáo trình, tài liệu tham khảo…; thông qua sự hướng dẫn của các thầy cô; thông qua sự giúp đỡ của bạn bè. Học trong trường, học tại gia đình và học ngoài xã hội. Học tập suốt đời - học, học nữa và học mãi.
- Tạo nên những con người biết làm việc: Trung tâm của triết lý đào tạo là hướng tới kết quả đào tạo giúp người học có được kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu và am hiểu pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế; có được kỹ năng nghiên cứu, vận dụng, áp dụng, theo dõi, thực thi pháp luật và các kỹ năng làm việc khác; có được tinh thần, thái độ làm việc tự chủ, khoa học, nghiêm túc và chuyên nghiệp
- Tạo nên những con người sẵn sàng bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân và phụng sự tổ quốc: Trụ cột quyết định của triết lý đào tạo là hướng tới đạo đức nghề nghiệp của người học luật. Người học luật phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có bản lĩnh chính trí vững vàng, có tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ, trung thành với Hiến pháp và pháp luật với sứ mạng cao cả là bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân và phụng sự tổ quốc.